GIÁO DỤC STEINER

(Nền giáo dục được nhắc tới trong cuốn Đối Thoại Với Thượng Đế)


Có một số nguyên tắc trong nền giáo dục Steiner. Một trong số đó là: Sự phát triển cần có thời gian. Nếu bạn trồng một cây non bằng phân bón nhân tạo, nó sẽ lớn rất nhanh nhưng gỗ của cây sẽ không bao giờ chắc khỏe. Nếu bạn giúp con bướm đang vật lộn với cái kén để nó thoát ra ngoài nhanh hơn, nó sẽ trở thành một con bướm có đôi cánh yếu ớt. Nếu bạn muốn con của mình khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn phải cho chúng thời gian. Một số người nghĩ các trường theo nền giáo dục Steiner là những trường học lạc hậu, lỗi thời, không có máy vi tính, camera và tivi. Trong những trường mẫu giáo và trường tiểu học Steiner, cũng không có máy vi tính và thiết bị công nghệ, chỉ đến cấp học cao hơn chúng ta mới thấy những thiết bị này có mặt, lúc này học sinh đã hiểu biết về các thiết bị công nghệ và có thể làm chủ chúng, điều khiển chúng và bắt chúng phải phục vụ mình, thay vì làm nô lệ cho chính chúng.

GIÁO DỤC STEINER

Vào đầu thập niên 1900, nhà giáo dục và triết gia người Áo Rudolf Steiner mong muốn tạo nên một hình thức giáo dục mới giúp học sinh đạt được sự rõ ràng trong suy nghĩ, sự nhạy cảm trong cảm xúc và sức mạnh trong ý chí. Sau buổi diễn thuyết của ông, thính giả trong buổi họp đã thỉnh cầu ông mở một trường học cho con họ, và vào năm 1919, trường học Steiner đầu tiên được thành lập tại nước Đức. Ngày nay, có trên 1,039 trường học, 2,000 trường mẫu giáo và gần 700 trung tâm chăm sóc trẻ theo triết lý Steiner tại hơn 60 quốc gia được thành lập cho độ tuổi từ trẻ sơ sinh đến 18 tuổi.



Phương pháp giáo dục Steiner dựa trên cái nhìn sâu sắc về cuộc sống nói chung và bản chất con người nói riêng. Triết lý của Steiner được gọi là Anthroposophy (tạm dịch là Hiểu biết về con người).
Các phương diện giáo dục của triết lý này bắt nguồn từ sự hiểu biết về ba chu kỳ 7 năm của sự phát triển: từ sơ sinh đến bảy tuổi; bảy đến mười bốn tuổi; và từ mười bốn đến hai mốt tuổi. Ở mỗi giai đoạn, giáo dục được thiết kế nhằm bộc lộ khả năng và đáp ứng nhu cầu thay đổi của trẻ. Ba giai đoạn này liên hệ với sự phát triển toàn diện của con người: tư duy, cảm xúc và ý chí. Trong giai đoạn từ sơ sinh đến 7 tuổi, ý chí chi phối tất cả, giai đoạn 7 đến 14, cảm xúc chiếm ưu thế, và ở giai đoạn 14 đến 21, tư duy là yếu tố vượt trội.



Giáo dục Steiner tập trung vào toàn bộ đứa trẻ - khối óc, con tim và bàn tay (head, heart and hands) – và kiến tạo một khởi đầu tốt nhất có thể cho trẻ để chúng có thể phát triển khả năng tiềm ẩn theo cách có thể bảo vệ được sự kỳ diệu và niềm vui thích của tuổi thơ.
Giáo dục Mầm non Steiner cùng chia sẻ triết lý này áp dụng vào phương pháp chăm sóc và nuôi dạy trẻ, không khuyến khích việc sớm cho trẻ học chữ hay giảng dạy về mặt tri thức, với mong muốn bảo vệ năng lực đặc biệt của trẻ về cảm xúc và ý chí.

Công việc của trẻ trong giai đoạn 0 -7 tuổi
Công việc chính của trẻ trong 7 năm đầu đời là thích nghi và phát triển cơ thể vật chất; tìm hiểu thế giới xung quanh và khai mở khả năng tiềm ẩn. Chính vì vậy, sức sống của trẻ trong giai đoạn này chỉ dùng cho những việc này, không phải dùng để bắt trẻ học sớm (dù bất cứ dưới hình thức nào). Não của trẻ trong giai đoạn này phát triển rất mạnh và cần được tích cực bảo vệ để được phát triển hoàn chỉnh; chỉ khi được phát triển hoàn chỉnh nó mới thực hiện chức năng của nó một cách tốt nhất. Mọi hoạt động học về mặt tri thức, dù dưới hình thức nào đều phải sử dụng đến não. Vì vậy, trẻ học sớm, biết được nhiều thứ sớm hơn không đồng nghĩa sau này trẻ sẽ thông minh hơn, học giỏi hơn, biết nhiều hơn mà ngược lại, rất nhiều khả năng trẻ sẽ sớm bị chán học, mệt mỏi, kiệt quệ về thể chất và tinh thần, thường là ở độ tuổi 15, 16 vì sức sống không được dùng đúng mục đích.


GIÁO DỤC STEINER (Tiếp theo)

Ý chí và sự bắt chước

Ở giai đoạn này, trẻ có một ý chí mãnh liệt và một bản năng bắt chước.
Trẻ học mọi thứ và khám phá thế giới xung quanh mình thông qua bắt chước, qua các giác quan. Cộng đồng giáo dục Steiner quen thuộc với phương châm “chúng ta tạo ra môi trường và môi trường tạo ra trẻ”. Chúng ta không dạy, không hướng dẫn, nhiệm vụ của chúng ta là tạo một môi trường lành mạnh để trẻ bắt chước và học hỏi. Chính môi trường xung quanh tạo ra trẻ, trẻ làm một việc vì trẻ thấy người khác làm việc đó, không phải vì người lớn bảo trẻ phải làm việc đó. Trẻ không chỉ bắt chước những gì chúng ta làm, chúng bắt chước luôn cả thái độ, tình cảm và suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta không thể che dấu bất cứ điều gì trước trẻ; chúng ta trong suốt trước trẻ. Trẻ đặc biệt đang tìm hiểu về thế giới xung quanh, hãy cho trẻ thấy thế giới này là tốt đẹp, nhờ đó chúng thấy an toàn và tự tin; khi đã thấy an toàn và tự tin, trẻ sẽ làm mọi thứ tốt nhất.



Trong trường Mầm non Steiner, giáo viên cùng trẻ dọn dẹp, nấu ăn, nướng bánh, dọn bàn ăn, và dùng thức ăn đã cùng nhau chế biến. Trẻ rất thích giúp đỡ và qua các hoạt động này, chúng phát triển hàng loạt các kỹ năng vận động, như sự khéo léo của đôi tay và phối hợp giữa tay và mắt. Sự hiện diện của một người lớn làm việc tạo nên một môi trường giúp trẻ trở nên tích cực và độc lập. Được nhìn thấy người lớn lao động bằng đôi tay hoặc làm một công việc đòi hỏi kỹ năng, sự tập trung và tính kiên nhẫn là một hình mẫu tuyệt vời cho đứa trẻ thích quan sát và giúp trẻ rèn luyện khả năng giữ vững sức mạnh ý chí. Cách người lớn làm việc, cách họ sử dụng công cụ và nguyên liệu, thậm chí là những cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể, tất cả những điều này đều được trẻ nhiệt tình ghi nhận và tiếp thu.



Ý chí giúp trẻ làm đi làm lại một việc không chán, đó là giúp cách trẻ học và khám phá thế giới. Và việc học này, cũng như những sự phát triển khác của trẻ, đều có tốc độ riêng, lịch trình riêng, lịch trình này không giống nhau đối với tất cả trẻ và không thể bắt ép. Chúng ta cần tôn trọng trẻ và sự phát triển riêng của mỗi trẻ, đừng nên sốt ruột, thúc ép trẻ làm những điều vượt quá sức của chúng; thậm chí nếu trẻ có làm được đi nữa thì việc này sẽ để lại ảnh hưởng to lớn lên thể chất và tinh thần của trẻ. Tại sao lại tập đi cho trẻ khi trẻ không cần tập thì sau rốt vẫn có thể đi được. Khi thời gian chín muồi, chúng sẽ muốn đi và sẽ tìm mọi cách để đi, dù có xe tập đi hay không, dù chúng ta có dắt tay cho trẻ đi hay không, trẻ vẫn sẽ đi được, chúng sẽ bám vào bất cứ vật nào để di chuyển, đó chính là ý chí muốn đi, ý chí này sẽ bị làm yếu đi nếu chúng ta bày sẵn mọi thứ và tước mất “sự thôi thúc và cố gắng tìm đủ mọi cách để đi được” của trẻ. Tất cả những vận động của trẻ, dù là lật, trườn, bò, đứng, đi, đều là kết quả của sự kết hợp hoàn hảo giữa sự phát triển chín muồi của các cơ vận động, sự thôi thúc trong lòng và ý chí mạnh mẽ của trẻ; và tất cả đều cần có THỜI GIAN. Và khi trẻ đi được trên đôi chân của mình qua nhiều cố gắng, thử thách, hãy hình dung chúng thỏa mãn và sung sướng như thế nào; cảm giác sung sướng này là thành quả, là món quà vô cùng ý nghĩa cho công sức trẻ đã bỏ ra. Điều này xây dựng lòng tự tin vững chắc nơi trẻ: trẻ muốn làm và sẽ làm được; chính sự tự tin này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến trẻ đến suốt cuộc đời.

Những trẻ có ý chí mạnh thường bị gắn mác là “lì lợm” vì trẻ sẽ làm đi làm lại điều trẻ thích cho dù bị người lớn cấm đoán. Để trẻ có những hành vi thích hợp, ngăn cấm hay giải thích không giúp ích cho trẻ, nó chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến ý chí của trẻ. Thay vào đó, hãy thay đổi môi trường để những hành vi không thích hợp không có cơ hội lập lại (ví dụ như muốn trẻ đừng chơi lửa thì đừng cho trẻ với tới chỗ có lửa), hoặc hướng trẻ vào hành vi thích hợp (ví dụ trẻ ăn bốc, chúng ta sẽ đưa muỗng vào tay trẻ và cầm tay trẻ đút cơm, nếu trẻ la khóc không làm theo, cứ kiên trì lặp lại, nhất quyết không cho trẻ ăn bốc. Chúng ta cho trẻ thấy giới hạn của trẻ: đó là không được ăn bốc). Quan trọng là không nổi nóng và phải kiên trì với trẻ. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết, tình thương và tính kiên nhẫn của người lớn; vì thường chúng ta sẽ nổi đóa lên và kết cục là la hét, dọa nạt hoặc tệ hơn là bép vài cái vào đít; có thể trẻ sẽ sợ bị đánh mà không lập lại hành vi, nhưng nếu việc đánh trẻ lặp lại nhiều lần, ý chí của trẻ sẽ bị vùi dập từ từ, trẻ sẽ dần mất sự tự tin và không còn dám làm những điều mình thích. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thái độ sống trong suốt cuộc đời sau này của trẻ. Phụ huynh hãy vui mừng khi con mình có ý chí mạnh, đó là đứa trẻ phát triển bình thường, lành mạnh. Những hiểu biết của mình về con trẻ còn rất hạn hẹp, trẻ làm việc gì cũng đều có lý do của riêng trẻ, chỉ là cha mẹ chưa có đủ hiểu biết để hiểu hết những hành động của trẻ. Xin đừng vùi dập ý chí của con, đừng đứng ở vị trí của mình mà kết luận, phán xét trẻ.

Trạng thái mơ màng

Theo Steiner, trẻ sẽ trải qua trạng thái mơ màng trong khoảng 7 năm đầu, nhưng mạnh nhất là khoảng trước 3 tuổi. Trạng thái mơ màng là trạng thái trẻ chưa có ý thức về bản thân, về cái tôi, về suy nghĩ của riêng mình, cũng như chưa có ý thức rõ rệt về thế giới xung quanh; lúc này trẻ thấy mình với mọi người và thế giới xung quanh là một.

Trạng thái mơ màng cực kỳ quan trọng, nó bảo vệ và cho trẻ năng lực để có thể học mọi thứ đầu đời một cách dễ dàng như học trườn, học bò, học đứng, học đi, học nói… Chúng ta quen với việc trẻ con sinh ra thì phải biết làm tất cả thứ ấy nên thấy những việc này quá đỗi bình thường, nhưng thực ra đây là những công việc phi thường đòi hỏi những nỗ lực phi thường mà trạng thái mơ màng đóng vai trò tiếp thêm năng lượng cho trẻ. Ví dụ như trẻ ở tuổi bắt đầu tập nói có thể nói bất cứ ngôn ngữ nào nếu được để đúng vào môi trường của ngôn ngữ đó, thậm chí có thể nói được 2,3 thứ tiếng một cách dễ dàng; nhưng khi đã có ý thức của người trưởng thành, việc học thêm một ngoại ngữ là điều không hề dễ dàng (trừ những trường hợp đặc biệt).



Trạng thái mơ màng bảo vệ để trẻ phát triển một cách tự nhiên, ấp ủ mọi sức sống, nguồn lực để cuối cùng khả năng tiềm ẩn sẽ được khai mở, cũng giống như hạt giống hấp thu mọi dưỡng chất và các điều kiện cần thiết để cuối cùng có thể nẩy mầm khỏe mạnh. Trạng thái mơ màng còn là một “liều thuốc” giúp quá trình thích nghi cơ thể của trẻ trở nên dễ chịu hơn, giúp trẻ quên đi phần nào những khó khăn của quá trình này. Và tất cả những điều này sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc và ảnh hưởng đến suốt phần đời còn lại của trẻ.

Vì những lý do trên, Steiner kêu gọi hãy bảo vệ trạng thái mơ màng này càng lâu càng tốt cho đến khi nào nó mất đi một cách tự nhiên. Làm sao để bảo vệ trạng thái này? Hãy tạo một môi trường xung quanh trẻ êm dịu, từ màu sắc, âm thanh, đến cách người lớn di chuyển, làm việc, nói năng, đối xử với trẻ và đối xử với nhau, tất cả phải nhẹ nhàng và chân thật. Cô giáo có thể ngoài mặt dịu dàng với trẻ nhưng trong lòng cô đang tức giận, vậy thì sự dịu dàng này vô nghĩa vì trẻ cảm nhận được sự tức giận cũng như mọi cảm xúc khác của cô và ảnh hưởng mạnh bởi chúng.



Vì mục đích bảo vệ trạng thái mơ màng này nên các trường mẫu giáo Steiner đều được trang trí bởi những màu sắc mơ màng và tự nhiên, hình vẽ, âm nhạc… tất cả đều êm dịu và chân thật. Không tivi, không máy vi tính, không có những bài hát thu sẵn được phát ra, âm thanh trong trường là tiếng cười rộn ràng và hào hứng của trẻ, tiếng nói dịu dàng của cô, tiếng cô hát và giọng non nớt hát theo của trẻ, và những âm thanh chân thật khác của cuộc sống…tất cả tạo nên một môi trường êm đềm, thân quen và yên ổn đối với trẻ.

Do quan điểm khác nhau, nhiều phụ huynh cho rằng nhà trẻ là phải “xanh xanh đỏ đỏ”, tường phải trang trí nhiều con thú bắt mắt, phải có nhạc thiếu nhi nhộn nhịp được phát to ra loa, là phải bật nhạc sôi động để bé tập thể dục buổi sáng, phải có máy vi tính và các thiết bị công nghệ cao để trẻ tập tiếp xúc với công nghệ, là phải có phòng tập múa, tập hát, phòng học vẽ, học đàn, phải có chương trình dạy ngoại ngữ…để trẻ lớn lên biết nhiều hơn bạn, thông minh hơn bạn, giỏi hơn bạn và… kiếm tiền giỏi hơn bạn. Chỉ tội cho trẻ, phải chạy đua hụt hơi để thực hiện ước mơ của người lớn. Triết lý Steiner quan niệm khác: trẻ đấu tranh, chiến thắng chính bản thân mình và giúp đỡ những người xung quanh cùng tiến bộ.

Thực tế là thời đại ngày nay, trẻ con hầu như đứa nào cũng bị “lôi” ra khỏi trạng thái mơ màng này một cách không thương tiếc, vì tất cả những thứ đã nói ở trên cộng với lối sống vội vàng, bon chen và tranh đua của một thế giới vật chất đến nỗi giá trị thật giả bị lẫn lộn. Đối với nhiều người, trẻ con là phải năng động theo kiểu lăng xăng và “biết tuốt” nhưng năng động theo kiểu bị kích động từ những thứ inh ỏi và bắt mắt so với năng động theo kiểu trẻ được tự do sáng tạo, tự do nghĩ ra trò chơi và điều khiển trò chơi theo ý thích của mình là một điều hoàn toàn khác.


GIÁO DỤC STEINER (Tiếp theo)

Giác quan và sức sống

Các giác quan của trẻ đang trong giai đoạn hình thành và hoàn thiện, còn rất non nớt, nhạy cảm và hơn ai hết, trẻ cần được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực đến sự phát triển của giác quan. Trẻ tiếp nhận tất cả mọi thứ tác động vào cơ thể mà không có bất cứ sự chọn lựa nào và cũng không hề có ý thức phải chọn lựa. Người lớn chúng ta có khả năng “đóng mình” trước những tác động tiêu cực để tự bảo vệ nhưng trẻ nhỏ không có khả năng này. Bạn hãy tưởng tượng một bao bột khi chúng ta ấn ngón tay lên, vết ấn sẽ còn nguyên trên bao bột, trẻ cũng như thế, để thấy các giác quan của trẻ nhỏ nhạy cảm như thế nào và môi trường xung quanh trẻ đóng vai trò quan trọng như thế nào.



Như đã nói, 7 năm đầu đời là thời gian trẻ thích nghi và phát triển cơ thể vật chất và cũng trong thời gian này, sức sống của trẻ rất mãnh liệt và mạnh hơn những giai đoạn sau của con người và chính sức sống này giúp trẻ phát triển cơ thể của mình. Những tác động mạnh và gay gắt đến các giác quan nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm của trẻ nhỏ làm sức sống của chúng yếu đi, từ đó ảnh hưởng to lớn đến sự thích nghi và hoàn thiện cơ thể vốn là nhiệm vụ quan trọng hơn hết trong giai đoạn 7 năm đầu này.

Hoạt động chơi

Trẻ chơi thế nào? Trước hết phải rõ ràng về việc chúng ta hiểu thế nào là Chơi. Nhiều nước hiện nay phát biểu “trẻ của chúng tôi có chơi chứ”, chơi mà họ nói nằm trong khẩu hiệu thường thấy “chơi mà học, học mà chơi”, có nghĩa là trẻ được trải nghiệm qua nhiều thể loại dạy dỗ về mặt tri thức để trẻ không phải lúc nào cũng ngồi yên một chỗ; Chơi mà họ muốn nói là hoạt động được người lớn hướng dẫn, với mục đích học rõ ràng và đòi hỏi sự tham gia của não bộ.



Đối với giáo dục Steiner: “Trẻ tự giáo dục chính bản thân mình khi đang chơi”, vì vậy, khi trẻ chơi, người lớn lùi lại và chỉ can thiệp khi thật cần thiết, tức là khi trẻ không giải quyết được mâu thuẫn với bạn hoặc khi trò chơi đi theo chiều hướng không tích cực. Chơi là hoạt động được bắt đầu và dẫn dắt bởi chính trẻ, và ở đây không được gài bất kỳ mục đích dạy dỗ hay hướng dẫn nào của người lớn. Chơi được khởi xướng chính trong con người của trẻ; thường là một cách vô thức và tự phát. Thường chúng ta không nghe trẻ nói “trò chơi này kết thúc rồi, tiếp theo chúng ta sẽ chơi trò khác”; chơi là một dòng chảy tự do và liên tục. Khi kết thúc một trò chơi và chuyển sang trò khác, trẻ phải cảm thấy thỏa mãn. Hãy hình dung công việc của một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ lấy ý tưởng và cảm hứng từ bên trong con người họ và thể hiện ra thế giới bên ngoài. Khi trẻ chơi, tâm trạng của chúng giống hệt như tâm trạng của một nghệ sĩ đang sáng tác. Một đứa bé đang chơi với ngón tay và ngón chân của mình hay một trẻ nhỏ đang kéo những chiếc bàn và ghế để làm pháo đài, tất cả đều không khác lúc Shakespeare đang sáng tác tác phẩm của mình. Và Shakespear chắc chắn không muốn có một ai đứng bên cạnh chỉ bảo ông phải viết như thế nào cho chính tác phẩm của ông.

Khi trẻ chơi tự do, chúng học được vô số thứ, từ khả năng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống đến sự cảm thông, nhường nhịn, lắng nghe, kỹ năng hành xử, khả năng kiểm soát bản thân và hợp tác với bạn bè; bên cạnh đó, trẻ có cơ hội lành mạnh để phát triển sức tưởng tượng và sáng tạo và rèn luyện ý chí của mình. Quan trọng hơn là những gì trẻ học được như đã kể diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, trong thế giới riêng của trẻ, và trẻ thực sự thỏa mãn. Và những gì đạt được sẽ có sức ảnh hưởng sâu sắc và tích cực đến suốt cuộc đời của trẻ.

Steiner nói “Chơi tự do là công việc nghiêm túc của trẻ, chúng ta không thể biết được mục đích của trẻ là gì, nhưng chúng ta phải tin tưởng rằng trẻ biết chúng cần làm điều gì”. Nếu bạn quan sát trẻ chơi, bạn sẽ thấy chúng vô cùng bền bỉ. Khi trẻ chơi tự do, chúng có cơ hội thử nghiệm những hoạt động xung quanh, thường chúng sẽ giả bộ làm nhà bác học, kỹ sư, thợ xây…Chúng thích thú các chi tiết nhỏ, những thứ xung quanh đều là những điều kỳ thú đối với chúng, chính niềm thích thú này bồi đắp ý chí, tính kiên nhẫn và linh hoạt nơi trẻ, giúp chúng trở thành người tự do lựa chọn cuộc đời mình khi lớn lên.



Trẻ đặc biệt thích trò chơi “giả bộ” vì chúng được trải nghiệm những cảm xúc khác nhau như bực bội, giận dữ, buồn bã, vui mừng; chúng rất thích được giả bộ sợ hãi, khóc lóc và đóng nhiều vai chẳng hạn như làm đứa con ngỗ nghịch trong gia đình…Trò chơi “giả bộ” là trạng thái tình cảm mới đối với trẻ và trẻ cần phải tư duy nhiều trong khi chơi trò chơi này.

Chơi quan trọng vì đó là thứ trẻ làm rất giỏi, và vì vậy, chơi xây dựng sự tôn trọng và lòng tự tin vào bản thân.Khi trẻ chơi, có một năng lực vô hình hướng trẻ đi để đến khi ở một mức độ sâu hơn, tất cả những gì trẻ có ở những khoảng khắc này sẽ có ảnh hưởng tích cực mãi đến khi trẻ trưởng thành. Chơi tự do giúp trẻ có trách nhiệm với hành động của mình khi lớn lên trong khi đối với hoạt động chơi có sự dẫn dắt của người lớn, điều này không xảy ra.

Có một sự bí ẩn trong hoạt động chơi tự do. Nếu bạn hỏi người lớn về ký ức tươi đẹp nhất về trò chơi thời thơ ấu, câu trả lời của hầu hết là được chơi tự do ở những nơi thiên nhiên như trong bụi rậm, đồng cỏ, kênh rạch…mà không bị người lớn dòm ngó hay can thiệp.

Dọn dẹp sau chơi

Giờ dọn dẹp là giờ chuyển tiếp sang một hoạt động khác và là cơ hội rất tốt để kích thích trẻ sử dụng trí tưởng tượng. Thông thường, khó để trẻ ngừng chơi để bước sang hoạt động khác trong khi đang chơi tự do rất vui vẻ; vì vậy giáo viên phải tìm cách để hỗ trợ hoạt động chuyển tiếp này. Đây là một trong những thời điểm chúng ta có thể thấy được một nhịp điệu lành mạnh có kết quả như thế nào, nó rất có ích nếu nhịp điệu trong nhà trẻ được duy trì hàng ngày, bạn thậm chí có thể thấy có những trẻ sẽ tự động dọn dẹp vào đúng giờ dọn dẹp trong ngày. Giáo viên thực hiện các trật tự, chẳng hạn những đồ chơi lớn được dọn trước, sau đó là búp bê, vv… và giáo viên phải để tâm quan sát và suy nghĩ xem trật tự nào tốt nhất cho môi trường trong lớp, sau đó thực hiện trật tự này một cách nhất quán. Điều này giúp trẻ hiểu những gì đang xảy ra, vì đối với một số trẻ, đây là thời gian lộn xộn, lúc đầu chúng bị khựng lại bởi chúng không biết được mình cần phải làm gì, và khi chúng thấy sự lộn xộn, chúng sẽ ngay lập tức bắt chước sự lộn xộn này. Vì vậy, giáo viên cần quan sát và giúp đỡ những trẻ này, thông qua nhịp điệu và trật tự của giờ dọn dẹp, khi trẻ thấy một trật tự và nhịp điệu, trẻ sẽ bắt chước. Chúng cũng sẽ biết mình cần phải làm gì ngay khi giờ dọn dẹp bắt đầu. Một số trẻ thích xếp khăn và sự sắp xếp này tạo ra một trật tự. Một số trẻ thích cuộn dây theo hình xoắn ốc và hình thể xoắn ốc này thực sự giúp nuôi dưỡng trẻ theo nhiều cách… Vì vậy, giờ dọn dẹp thật ra cũng là cơ hội để trẻ có thể làm những gì chúng thích, và cũng là cơ hội cho trí tưởng tượng của trẻ hoạt động, tùy thuộc vào sự sáng tạo của giáo viên. Chẳng hạn khi xếp khăn, giáo viên có thể hát “Chim bay, chim bay. Chim mỏi cánh, chim đậu lên cành”, cùng lúc cầm hai đầu khăn ở một đầu, trẻ ở đầu kia, tung khăn lên nhịp nhàng, sau đó gập đôi lại, và cứ hát cho đến khi xếp xong khăn; sau khi xếp xong toàn bộ khăn, cô có thể nhờ trẻ đưa những bạn chim này về tổ, trẻ sẽ rất vui sướng làm theo. Hoặc khi dọn búp bê, cô có thể nói “búp bê mệt rồi, con đưa bạn về giường ngủ nhé”, và hướng dẫn trẻ đưa búp bê về đúng nơi, trẻ sẽ làm đúng y như vậy với những con búp bê còn lại. Và hoạt động “đưa búp bê về nhà” tạo sự kết thúc êm đẹp, an toàn cho tâm hồn trẻ.

GIÁO DỤC STEINER - tiếp theo

ĐỒ CHƠI

Đồ chơi trong mầm non Steiner không có hình thù quá cụ thể với mục đích giúp phát huy trí tưởng tượng của trẻ. Một khúc gỗ có thể là bánh mì hay bàn ăn, có thể là xe hơi, đôi khi lại được biến thành chiếc thuyền. Những chiếc ghế có thể xếp thành hàng dài với nhau tạo thành xe lửa nhiều toa, hoặc có thể quây lại với nhau thành ngôi nhà. Tấm vải có khi là chăn cho búp bê và ngay sau đó lại trở thành tấm khăn choàng của nàng công chúa. Chính sự đơn giản, gợi mở đầy linh hoạt của những món đồ chơi trong trường mầm non Steiner kích thích trí tưởng tượng của trẻ phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, giáo dục Steiner gọi những con búp bê được trang điểm mắt môi kỹ càng là những đồ chơi “xấu xí” tước đi những hình ảnh từ trí tưởng tượng của trẻ. Những gì người lớn chúng ta cho là đẹp thật ra lại phá hủy khả năng thẩm mỹ của trẻ đồng thời không cho cơ hội phát huy sức tưởng tượng của trẻ và vì vậy, ý chí của trẻ cũng bị mất đi cơ hội làm việc; và trẻ lớn lên với một ý chí lộn xộn khiến ảnh hưởng đến cuộc đời về sau của chúng.


Đồ chơi trong trường mẫu giáo Steiner hoàn toàn được làm từ nguyên vật liệu tự nhiên vì chúng đẹp và đem đến sự trải nghiệm phong phú mà vật liệu nhựa không thể nào có được. Vật liệu tự nhiên luôn thay đổi và mang trong nó một sức sống, đó là phẩm chất quan trọng đối với trẻ nhỏ vì nó giúp nuôi dưỡng các giác quan và sức sống đang phát triển của trẻ. Ví dụ trẻ được nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận được chất gỗ ở một cái bàn bằng gỗ, nhưng ở cái bàn bằng nhựa, nó trông không thật và đó là một bức tranh cứng nhắc đối với trẻ. Tất cả những thứ bằng nhựa, ni lông hay polyester hay bất cứ chất tổng hợp nào đều thuộc về thế giới khoáng vật, nó có hình thù vật chất nhưng không có sức sống, hơi ấm đối với trẻ, trong khi gỗ thuộc về thế giới thực vật, mang trong mình nó sức sống và sức sống là yếu tốt lành mạnh bồi dưỡng sức khỏe của trẻ.



Đôi khi phụ huynh băn khoăn liệu trẻ có chán không khi chơi cũng những thứ đồ chơi đơn giản như vậy trong suốt những năm học mầm non. Và họ nghĩ nhiều khi phải đổi sang đồ chơi khác nhiều chi tiết hơn để trẻ khỏi chán. Nhưng những giáo viên Steiner có thể khẳng định rằng trải nghiệm của trẻ ở những độ tuổi khác nhau sẽ khác nhau, chúng sẽ nhìn một món đồ chơi ở nhiều góc cạnh khác nhau và sử dụng những phần khác nhau của cùng món đồ chơi này để phục vụ cho nhiều trò chơi và những trải nghiệm khác nhau của chúng. Chính khả năng sử dụng cùng một món đồ chơi vào nhiều trò chơi khác nhau làm phát triển sức tưởng tượng của trẻ và sự tự do làm điều mình thích, giúp trẻ trở thành một con người tự do khi trưởng thành.



Không tốn nhiều tiền để chế tạo ra những món đồ chơi đơn giản trong khi thời đại ngày nay có đủ các kiểu đồ chơi mắc tiền và chưa hẳn lành mạnh, rất nhiều trong số đó gắn mác “đồ chơi giáo dục” để móc túi phụ huynh. Ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi đã và đang kiếm được bộn tiền nhờ khai thác phụ huynh; những người chủ trương làm việc này với mục tiêu lớn nhất, đó là kiếm tiền, còn sự quan tâm và hiểu biết sâu sắc về nhu cầu thực sự của trẻ thật ra là điều xa vời đối với họ. Rõ ràng đây là kiểu lợi dụng trẻ em để kiếm tiền và nó tạo ra cả một thế hệ tương lai với cái nhìn méo mó về cuộc sống. Trẻ lớn lên và phát triển lành mạnh không hề cần những thứ đồ chơi như vậy.


Rudolf Steiner cũng nói về trò xếp hình khối “Những đồ chơi có dạng hình học này chỉ có một số ít cách để sắp xếp chúng lại với nhau. Khi cho trẻ những đồ chơi kiểu này, chúng ta đang khiến não của trẻ phát triển theo những dạng cố định và cứng nhắc”. Trẻ nhỏ là những sinh vật rất nhạy cảm với môi trường xung quanh; não của chúng được hình thành dựa trên những thứ xung quanh chúng. Những đồ chơi “kích thích trí thông minh” như trò xếp hình Lego chỉ cho trẻ duy nhất một cách xếp để ra đúng hình được chọn; chính điều này cản trở sự phát huy tính tưởng tượng, sức sáng tạo và tính linh hoạt của quá trình phát triển não bộ. Người ta nghĩ Lego là trò chơi sáng tạo vì bạn có thể tạo ra nhiều thứ từ nó, nhưng chỉ có ích ở một vài phương diện nào đó cho trẻ lớn hơn, không phải cho trẻ nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo. Trẻ nhỏ cần những đồ chơi mềm mại và có nhiều hình thù để giải phóng não bộ trong quá trình hình thành. Não của chúng ta vẫn đang thay đổi thường xuyên nhưng cấu trúc của nó được định hình ở độ tuổi rất sớm. Nếu những cấu trúc này được định hình một cách cứng nhắc khi trẻ còn nhỏ thì sau này sẽ có rất ít những thay đổi và sự thay đổi nếu có cũng không phong phú nữa.

Nguồn: webtretho.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tập 2 – Tâm Lý Học Linh Hồn – Chìa Khóa Để Thăng Thiên – Chương 2 – Yêu bản thân vô điều kiện và đứa trẻ bên trong

CHƯƠNG 24 (CHƯƠNG KẾT THÚC): CHIẾC HỘP ĐEN BÍ ẨN